Thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022
Ngày 14/6/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-STTTT về việc thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Theo đó, có 02 đơn vị cấp xã được chọn làm thí điểm mô hình chuyển đổi số, gồm xã Hòa Phú của thành phố Buôn Ma Thuột và xã Phú Lộc của huyện Krông Năng.
Để thực hiện việc thí điểm này, các nhiệm vụ phải làm gồm:
- Tthiết lập hạ tầng viễn thông và mạng Internet, nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy tính để đảm bảo cấu hình, năng lực của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức tại UBND các xã, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình, triển khai hệ thống camera giám sát an ninh, nâng cấp điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông xã; sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành của tỉnh (iDesk) trong quản lý, điều hành công việc và các phần mềm quản lý khác.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mỗi xã có tối thiểu một kênh giao tiếp với người dân thông qua hệ thông tin thông qua hệ thống tin nhắn SMS, mạng xã hội để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân trong xã và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
- Căn cứ tình hình thực trạng việc ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin để phát triển giáo dục thông minh và y tế thông minh, quảng bá thương hiệu địa phương.
Thời gian thực hiện thí điểm chuyển đổi đổi số tại xã Hòa Phú và xã Phú Lộc từ tháng 6/2022 đến hết tháng 12/2022; việc đánh giá kết quả thí điểm chuyển đổi đổi số cấp xã được thực hiện trong tháng 01/2023. Nguồn vốn được chi từ ngân sách nhà nước; xã hội hóa, huy động đóng góp theo quy định.
Trên cơ sở mô hình thí điểm sẽ đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng triển khai thực hiện chuyển đổi số cấp xã, xây dựng “xã thông minh” tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm:
- Thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
-Tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Trần Thanh