Các quy tắc cần tuân thủ khi tham gia lễ hội
Thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Lắk nói chung và một số địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng đang chuẩn bị diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 và nhiều lễ hội truyền thống khác, người dân bản địa và du khách rất nô nức chờ đợi tham dự các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Mặc dù vậy, người dân, du khách cần lưu ý để tuân thủ nghiêm các quy định và các quy tắc ứng xử văn minh, thân thiện khi tham gia lễ hội.
Theo Điều 6 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, người tham gia lễ hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định trên và còn phải thực hiện các quy định sau, không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Ngoài ra, người dân cũng cần tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch như: Tuân thủ các quy định, nội quy hoạt động, biển báo, hướng dẫn của người quản lý tại điểm đến hoặc khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng; xếp hàng theo thứ tự khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng; ưu tiên giúp đỡ người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi đi du lịch; mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sỹ, lễ hội truyền thống; tôn trọng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương tại điểm đến v.v…
Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo có quy định một số mức xử phạt vi phạm hành chính quy định về tổ chức lễ hội như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội[1].
Cá nhân còn có thể bị xử phạt nếu vi phạm các quy định của pháp luật trong trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; an toàn giao thông v.v…
Như vậy, khi bạn và các đồng nghiệp, người thân tham gia lễ hội cần tuân thủ đầy đủ trách nhiệm người tham gia lễ hội. Trường hợp bạn là công chức thì bạn cần tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công và gương mẫu ứng xử văn minh, lịch thiệp.
Thu Hà
[1] Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.